Bối cảnh Trận_Prokhorovka

Mùa đông 1942-1943, Tập đoàn quân số 6 của phát xít Đức đã bị hủy diệt trong trận Stalingrad. Kết quả của ba chiến dịch lớn diễn ra trong khoảng thời gian đó: Chiến dịch Sao Thiên Vương, Chiến dịch Bão Mùa đôngChiến dịch Sao Thổ cũng đe dọa nghiêm trọng đến các cụm tập đoàn quân phía nam của Đức. Nếu Hồng quân Xô Viết thành công hơn nữa, có lẽ toàn bộ các Tập đoàn quân này đã bị tiêu diệt. Nhưng dù sao, phần lớn lãnh thổ khu vực Kavkaz cũng đã không còn bóng của người lính Đức nào. Hồng quân chỉ tổn thất có 7 vạn người để đuổi quân Đức ra khỏi Kavkaz.[7] Được khích lệ bởi chiến thắng, Tổng tư lệnh Tối cao I. V. Stalin đã hạ lệnh cho Hồng quân tiến thẳng tới Rostov nhằm cắt đứt và hợp vây toàn bộ Cụm Tập đoàn quân Nam.

Hồng quân nhanh chóng chọc thủng phòng tuyến quân Đức nhưng trận tuyến của họ đã bị kéo căng quá mức. Thống chế Đức Erich von Manstein nhanh chóng nhận ra điểm yếu này, và ông ngay lập tức mở Chiến dịch Donets đánh thẳng vào cạnh sườn bị kéo căng của Hồng quân. Với kịch bản tương tự như ở Chiến dịch Barvenkovo-Lozovaya một năm về trước, cánh Nam của Hồng quân đã bị đánh sập, các mũi tấn công của Hồng quân đã bị bao vây và hủy diệt. Sau đó phát xít Đức đã lấy lại được Kharkov vào ngày 14 tháng 3 năm 1943 và đẩy Hồng quân về phía Bắc sông Đông. Kết quả của chiến dịch Donets là một "chỗ lồi" có chiều dài 150 dặm tính từ Bắc xuống Nam. Trong trận này, phát xít Đức bắt được 9 nghìn tù binh và ước tính rằng Hồng quân có 23 nghìn binh sĩ tử trận. Các tài liệu của Hồng quân đưa ra con số thương vong tổng cộng là 45 nghìn người chết, mất tích, bị thương và bị bắt.[7]

Diễn biến trận chiến tại Vòng cung lửa Kursk. Trận Prokhorovka diễn ra ở mặt Nam của vòng cung.

Sau đó, phát xít Đức nhân đà thắng lợi ào vào chiếm Belgorod. Tuy nhiên do không đủ quân lực, quân Đức phải dừng cuộc tấn công và Hồng quân vẫn giữ được Kursk. Sức kháng cự của Hồng quân sau Kharkov càng lúc càng mạnh hơn và quân Đức khó có thể tiến xa hơn được nữa. Mặt trận trở nên ổn định vì cả hai phe đều mệt lả, không đủ sức để tấn công đối phương và "chỗ lồi" tại Kursk trên mặt trận Xô-Đức được hình thành.

Lúc này, lãnh đạo Đức Quốc xã Adolf Hitler cùng Bộ Tổng tư lệnh Tối cao của ông quyết định chọn cung lồi Kursk làm mục tiêu của đợt tấn công chiến lược kế tiếp của phát xít Đức; với mục đích nhằm hủy diệt lực lượng dự bị chiến dịch và chiến lược của Hồng quân Xô Viết, lấy lại thế cân bằng trên mặt trận đồng thời đoạt lại luôn quyền chủ động chiến lược[8] mà phát xít Đức đã để mất sau thảm họa Stalingrad.

Về phía mình, các thông tin tình báo đã giúp Hồng quân Xô Viết nhận rõ mục tiêu kế tiếp của phát xít Đức vào mùa hè năm 1943. Lúc này, Hồng quân không còn phải tổ chức phòng ngự chiến lược trên toàn mặt trận như hồi ở Moskva năm 1941, vì vậy họ đã có thể xây dựng một hệ thống phòng thủ dày đặc nhiều tầng nhiều lớp - có khi sâu tới 100 cây số - để chặn quân Đức. Lực lượng của Hồng quân tại Vòng cung Kursk bao gồm 10 phương diện quân tương đương 40 tập đoàn quân hỗn hợp và 5 tập đoàn quân xe tăng bố trí trên một mặt trận dài 2.000 cây số và sâu 600-700 cây số.[9] Kế hoạch của Bộ Tổng tư lệnh Tối cao Liên Xô Stavka là tổ chức phòng ngự tích cực tại "chỗ lồi" Kursk nhằm tiêu hao các mũi tấn công của phát xít Đức khi chúng phải vất vả vượt qua các phòng tuyến dày đặc của Hồng quân với sự phối hợp của nhiều binh chủng khác nhau trong việc tác chiến phòng ngự. Sau khi phát xít Đức đã thấm mệt, Hồng quân sẽ tung các đơn vị dự bị chiến lược ra và đập tan các mũi tấn công mệt mỏi của đối thủ.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Prokhorovka http://www.historynet.com/magazines/world_war_2/30... http://dialspace.dial.pipex.com/town/avenue/vy75/d... http://etd.lsu.edu/docs/available/etd-0604103-1138... http://www.sonic.net/~bstone/archives/001002.shtml //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://militera.lib.ru/h/mellenthin/14.html http://militera.lib.ru/h/oleinikov/index.html http://militera.lib.ru/h/timohovich/02.html http://militera.lib.ru/h/utkin3/14.html http://militera.lib.ru/h/zamulin_vn2/01.html